Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai? Thời điểm siêu âm và lưu ý

Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai? Thời điểm siêu âm và lưu ý

Thiếu cân khi mang thai và chế độ dinh dưỡng nào phù hợp cho mẹ bầu?

Tim thai là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự sống bé nhỏ đang hiện hữu trong bụng mẹ. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng có thể nghe được tim thai sớm như mong đợi, nhất là những mẹ lần đầu mang thai chưa nhiều kinh nghiệm. Vậy chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai? Thời điểm nào thì nên đi siêu âm tim thai? Bài viết sau sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ về quá trình hình thành và phát triển của tim thai, từ đó chủ động theo dõi thai kỳ, hạn chế lo lắng và có những quyết định kịp thời khi cần thiết.

Quá trình phát triển của tim thai trong thai kỳ

Tim thai là một trong những cơ quan đầu tiên được hình thành trong phôi thai và đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể thai nhi. Ngay từ tuần thứ 3 – 4 của thai kỳ, các ống tim nguyên thủy đã bắt đầu xuất hiện và có những cử động co bóp ban đầu, tuy còn yếu và chưa đều. Đây là tiền đề cho việc hình thành một quả tim hoàn chỉnh sau này.

Từ tuần thai thứ 5 đến 6, tim thai bắt đầu phân chia thành các buồng tim và hình thành vách ngăn. Lúc này, nếu siêu âm bằng đầu dò âm đạo, bác sĩ có thể phát hiện được nhịp đập yếu ớt của tim thai. Đến tuần thứ 7 – 8, tim thai đã đập rõ ràng và đạt khoảng 110 – 160 nhịp/phút. Đây cũng là thời điểm mà các mẹ bầu thường bầu bắt đầu nghe được tim thai lần đầu tiên trong các buổi siêu âm định kỳ.

Quá trình phát triển của tim thai tiếp tục hoàn thiện trong suốt 3 tháng đầu tiên. Khi bước sang tuần 12, tim thai đã có cấu trúc gần giống tim người trưởng thành với bốn ngăn rõ ràng, hoạt động bơm máu ổn định. Việc theo dõi sát sao sự phát triển của tim thai trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì giúp sớm phát hiện những bất thường về tim mạch bẩm sinh nếu có.

=>> Mẹ bầu cũng nên biết về Bảng cân nặng thai nhi để theo dõi sự phát triển của bé yêu nhé 

Tim thai bắt đầu hình thành ngay từ tuần thứ 3 - 4 của thai kỳ và hoàn thiện dần trong 3 tháng đầu tiên
Tim thai bắt đầu hình thành ngay từ tuần thứ 3 – 4 của thai kỳ và hoàn thiện dần trong 3 tháng đầu tiên

Khi nào mẹ bầu nên thực hiện siêu âm tim thai lần đầu?

Siêu âm tim thai lần đầu thường được khuyến nghị thực hiện trong khoảng tuần thai thứ 6 đến 8, khi phôi thai đã ổn định trong tử cung và tim thai bắt đầu hoạt động. Ở thời điểm này, máy siêu âm đầu dò âm đạo có thể phát hiện những nhịp đập đầu tiên của tim thai. Tuy nhiên, một số mẹ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không nhớ chính xác ngày rụng trứng thì có thể cần chờ đến tuần thứ 8 – 9 mới thấy rõ.

Siêu âm tim thai không chỉ giúp xác định thai đang phát triển khỏe mạnh mà còn loại trừ nguy cơ thai ngoài tử cung – một biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Mẹ bầu nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, thăm khám với các bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm để theo dõi chính xác sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm những bất thường nếu có.

Một số lưu ý quan trọng mà mẹ bầu nên nhớ khi siêu âm tim thai lần đầu:

  • Không nên siêu âm quá sớm (trước tuần thứ 6) vì có thể chưa phát hiện được tim thai khiến mẹ lo lắng không cần thiết.
  • Nên dùng siêu âm đầu dò âm đạo trong giai đoạn đầu thai kỳ vì độ chính xác cao hơn siêu âm thành bụng.
  • Nếu siêu âm tim thai lần đầu chưa phát hiện, mẹ hãy tiếp tục theo dõi lịch hẹn của bác sĩ để có thể cần siêu âm lại sau 7 – 10 ngày.

Sự xuất hiện tim thai còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển riêng của từng thai nhi, do đó mẹ hãy luôn giữ tâm lý bình tĩnh trong mọi tình huống để tránh gây ảnh hưởng đến thai kỳ.

Mẹ có thể nghe rõ tim thai từ khoảng tuần thứ 6 - 8
Mẹ có thể nghe rõ tim thai từ khoảng tuần thứ 6 – 8

Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai?

Thông thường, tim thai bắt đầu đập từ tuần thứ 5 – 6 và có thể thấy trên siêu âm từ tuần 6 – 8. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt, chậm nhất đến tuần 9 – 10 mẹ mới nghe thấy tim thai. Vậy điều này có đáng lo ngại không? Câu trả lời là không hẳn.

Có nhiều nguyên nhân khiến siêu âm chưa phát hiện tim thai, bao gồm tính sai tuổi thai, chu kỳ rụng trứng muộn, phôi phát triển chậm hoặc thiết bị siêu âm không đủ chính xác. Nếu đến tuần 9 vẫn chưa thấy tim thai, bác sĩ thường chỉ định theo dõi thêm bằng các xét nghiệm hỗ trợ như beta hCG hoặc siêu âm Doppler để đánh giá sự phát triển của thai. Việc phát hiện muộn không đồng nghĩa với việc thai lưu hoặc thai gặp vấn đề, tuy nhiên mẹ vẫn cần chú ý để theo dõi chặt chẽ.

Một số lời khuyên dành cho mẹ khi chậm thấy tim thai:

  • Giữ bình tĩnh và tránh lo lắng quá mức, vì đã có rất nhiều trường hợp dù tim thai đến muộn nhưng thai kỳ vẫn rất khỏe mạnh.
  • Theo dõi chỉ số beta hCG, nếu nồng độ này tăng đều theo đúng chu kỳ thì khả năng thai vẫn đang phát triển.
  • Tái khám đúng hẹn với bác sĩ, không tự ý uống thuốc hay sử dụng phương pháp dân gian không được kiểm chứng.
  • Không nên tự kết luận dựa trên kết quả siêu âm đầu tiên, cần đánh giá tổng thể qua nhiều yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng.
  • Lựa chọn bệnh viện, phòng khám và bác sĩ uy tín, có chuyên môn cao để tránh nhầm lẫn không đáng có gây ảnh hưởng đến thai kỳ.
Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai? Rất nhiều trường hợp dù tim thai đến muộn thai kỳ vẫn khỏe mạnh
Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai? Rất nhiều trường hợp dù tim thai đến muộn thai kỳ vẫn khỏe mạnh

Mẹ bầu cần làm gì để bảo vệ và duy trì sức khỏe của tim thai?

Trong suốt thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn đầu – khi tim thai mới hình thành, việc chăm sóc sức khỏe đúng cách đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của tim thai và thai nhi nói chung. Một trái tim khỏe mạnh của thai nhi không chỉ phản ánh sự sống mà còn là dấu hiệu quan trọng để đánh giá quá trình phát triển của bé trong bụng mẹ.

Nếu muốn bảo vệ và duy trì sức khỏe của tim thai, mẹ cần chú ý các biện pháp sau:

  • Duy trì chế độ ăn cân bằng: Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ những dưỡng chất giúp hình thành hệ tim mạch và thần kinh của thai nhi như acid folic, sắt, canxi, multivitamin, omega-3 (DHA, EPA), omega-6… Đặc biệt là acid folic (vitamin B9) và Omega-3, Omega-6, bởi đây những chất đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tim thai và ống thần kinh.
  • Tránh dùng thuốc bừa bãi: Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong suốt thai kỳ nếu chưa được bác sĩ sản khoa chỉ định, đặc biệt là trong 3 tháng đầu vì đây là giai đoạn tim thai hình thành và rất nhạy cảm với các chất tác động.
  • Khám thai định kỳ đầy đủ: Hãy khám thai đúng lịch, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất mà bác sĩ chỉ định để theo dõi tim thai, tốc độ phát triển và sớm phát hiện những bất thường (nếu có) trong thai kỳ.
  • Hạn chế tiếp xúc hóa chất độc hại: Mẹ bầu cần tránh tiếp xúc với các hóa mỹ phẩm độc hại, thuốc diệt côn trùng, sơn tường hoặc các hợp chất ảnh hưởng nội tiết tố trong cơ thể để bảo vệ mẹ và bé.
  • Tăng cường vận động nhẹ nhàng: Phụ nữ mang thai có thể chọn những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cho bầu giúp lưu thông máu tốt hơn, từ đó hỗ trợ quá trình nuôi dưỡng thai nhi hiệu quả hơn.

=>> Tham khảo thiếu cân khi mang thai và chế độ dinh dưỡng nào phù hợp cho mẹ bầu?

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ

Những nguyên nhân khiến siêu âm không phát hiện được tim thai

Nếu siêu âm không thấy tim thai không có nghĩa là thai đã ngừng phát triển. Nhiều yếu tố liên quan đến sinh lý hoặc kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm tim thai, nhất là trong giai đoạn đầu.

Các nguyên nhân phổ biến khiến mẹ không phát hiện được tim thai khi siêu âm là:

  • Tính sai tuổi thai: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, thường do chu kỳ kinh không đều hoặc không nhớ rõ ngày rụng trứng dẫn đến việc tính sai tuổi thai, siêu âm thai quá sớm nên chưa phát hiện được tim thai.
  • Phôi phát triển chậm: Một số thai nhi có tốc độ phát triển chậm hơn so với chuẩn trung bình, tim thai sẽ đến muộn hơn. Mẹ có thể yên tâm vì đây là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên vẫn cần theo dõi kỹ trong những tuần sau đó để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
  • Thiết bị siêu âm không đủ độ nhạy: Các máy siêu âm đời cũ hoặc không phải đầu dò âm đạo có thể khó phát hiện tim thai sớm. Một số cơ sở y tế, thiết bị không uy tín hoặc người xét nghiệm thiếu chuyên môn và tay nghề cũng có thể là lý do khách quan dẫn đến việc không phát hiện tim thai khi siêu âm.
  • Thai ngoài tử cung hoặc thai trứng: Đây là hai biến chứng nguy hiểm của thai kỳ mà mẹ bầu cần hết sức lưu ý. Trong những trường hợp này, siêu âm sẽ không thấy tim thai trong buồng tử cung.
  • Thai lưu: Đây là tình huống nghiêm trọng nhưng cần loại trừ cẩn thận, thường chỉ bác sĩ được kết luận sau khi siêu âm lại nhiều lần và kết hợp với thăm khám lâm sàng và nhiều xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau.

Nếu đến tuần thứ 9 – 10 mà vẫn không thấy tim thai, mẹ nên đến cơ sở y tế uy tín để được theo dõi bằng phương pháp siêu âm đầu dò hoặc siêu âm Doppler màu và thực hiện thêm các bước thăm khám khác nhằm đảm bảo tính chính xác. Không nên tự ý suy đoán và dùng thuốc hoặc mẹo vặt dân gian để “cứu chữa” trong giai đoạn nhạy cảm này.

Việc tính sai tuổi thai là nguyên nhân phổ biến khiến mẹ không phát hiện được tim thai siêu âm
Việc tính sai tuổi thai là nguyên nhân phổ biến khiến mẹ không phát hiện được tim thai siêu âm

Những câu hỏi thường gặp

Trong quá trình chờ đợi tim thai xuất hiện và phát triển ổn định, mẹ bầu thường có nhiều băn khoăn về việc siêu âm tim thai, các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cũng như những dấu hiệu bất thường cần lưu ý. Dưới đây là những câu hỏi phổ biến liên quan đến việc xác định tim thai để mẹ tham khảo và cảm thấy an tâm hơn trong thai kỳ.

Siêu âm quá sớm có ảnh hưởng gì?

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán an toàn và không gây hại cho mẹ bầu hay thai nhi. Tuy nhiên, siêu âm quá sớm (trước tuần thứ 6 của thai kỳ) có thể khiến bác sĩ không thấy được tim thai, dễ gây lo lắng không cần thiết cho mẹ. Bởi lúc này, tim thai chưa hình thành đủ hoặc chưa đập đủ mạnh để máy siêu âm phát hiện được. Ngoài ra, nếu tính sai tuổi thai, việc siêu âm quá sớm có thể khiến bác sĩ nghi ngờ nhầm lẫn với thai trứng hoặc thai lưu.

Sảy thai tự nhiên ảnh hưởng đến tim thai?

Sảy thai tự nhiên ở lần mang thai trước không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển tim thai trong lần mang thai kế tiếp. Tuy nhiên, nếu sảy thai do nguyên nhân di truyền bất thường hoặc nội tiết, mẹ bầu cần được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi mang thai lần tiếp theo.

Nếu đã từng sảy thai, mẹ nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và bổ sung các dưỡng chất cần thiết trước và trong suốt quá trình mang thai sau này. Mẹ bầu cũng nên theo dõi sát sao tim thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu để đảm bảo phôi phát triển ổn định.

Mẹ cần theo dõi sát sao hơn nếu đã từng sảy thai trước đây
Mẹ cần theo dõi sát sao hơn nếu đã từng sảy thai trước đây

Phôi thai gặp vấn đề về nhịp tim là như thế nào?

Rối loạn nhịp tim thai xảy ra khi tim thai đập quá chậm (dưới 100 lần/phút ở tuần thứ 6–7) hoặc quá nhanh (trên 180 lần/phút). Đây có thể là dấu hiệu của một bất thường tạm thời do mẹ bị mệt, thiếu oxy hoặc stress.

Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần mà không rõ nguyên nhân, đó có thể là biểu hiện của bất thường cấu trúc tim bẩm sinh hoặc thai kém phát triển. Lúc này, mẹ cần thực hiện siêu âm tim thai và các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá chính xác hơn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chất lượng thiết bị siêu âm và ống nghe tim thai?

Thiết bị siêu âm kém chất lượng hoặc lỗi thời có thể không phát hiện được tim thai dù bé vẫn phát triển bình thường. Đặc biệt là đối với siêu âm ổ bụng, nếu bé nằm ở vị trí khó quan sát hoặc thành bụng mẹ dày, tín hiệu sẽ bị hạn chế. Do đó, siêu âm đầu dò âm đạo hoặc siêu âm Doppler màu tại các cơ sở y tế uy tín luôn là lựa chọn được khuyến nghị trong giai đoạn sớm vì độ nhạy cao.

=>> Đọc thêm: 3 thời điểm vàng trong thai kỳ cần bổ sung canxi cho mẹ bầu

Chất lượng của thiết bị siêu âm và ống nghe có thể làm ảnh hưởng đến việc phát hiện tim thai
Chất lượng của thiết bị siêu âm và ống nghe có thể làm ảnh hưởng đến việc phát hiện tim thai

Những dấu hiệu cho thấy tim thai yếu và những nguy cơ liên quan

Tim thai yếu thường đi kèm với các biểu hiện như tim thai đập chậm hơn bình thường, biên độ nhịp tim không ổn định hoặc có dấu hiệu mất nhịp từng lúc. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ thai lưu, suy thai hoặc dị tật tim bẩm sinh.

Khi gặp tình trạng này, mẹ bầu cần bình tĩnh và theo dõi sát theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc theo dõi định kỳ, đúng lịch bằng thăm khám lâm sàng, siêu âm tim thai và nhiều xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời.

Siêu âm tim thai có giúp phát hiện khuyết tật bẩm sinh không?

Câu trả lời là có. Siêu âm tim thai chuyên sâu (thường thực hiện từ tuần 18–22) là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm các dị tật tim bẩm sinh như thông liên thất, tứ chứng Fallot, đảo gốc động mạch… Đây là bước kiểm tra quan trọng, đặc biệt là đối với những mẹ có tiền sử sinh con dị tật hoặc mắc bệnh lý mạn tính (tiểu đường, bệnh tự miễn, lupus ban đỏ…). Lúc này, việc siêu âm tim thai sẽ giúp phát hiện để can thiệp sớm và lên kế hoạch điều trị phù hợp sau sinh.

Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai là một câu hỏi quan trọng không chỉ để mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi, mà còn để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn đầu thai kỳ. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và thăm khám định kỳ sẽ giúp mẹ an tâm hơn trong hành trình làm mẹ.

Theo đó, việc bổ sung sữa bầu giàu dinh dưỡng cũng đóng vai trò thiết yếu. Sữa bầu Morinaga là sản phẩm cao cấp đến từ thương hiệu lâu đời Morinaga Nhật Bản – được hàng triệu mẹ bầu tin dùng nhờ công thức cân bằng, dễ hấp thu và an toàn tuyệt đối. Sữa Morinaga không chỉ cung cấp đầy đủ canxi, sắt, axit folic, DHA, mà còn giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe ổn định, hỗ trợ phát triển hệ tim mạch và não bộ của thai nhi ngay từ những tuần đầu thai kỳ.

Hãy bắt đầu thai kỳ khỏe mạnh với sự đồng hành từ Morinaga – thương hiệu sữa bầu uy tín hàng đầu Nhật Bản.
Hãy bắt đầu thai kỳ khỏe mạnh với sự đồng hành từ Morinaga – thương hiệu sữa bầu uy tín hàng đầu Nhật Bản.

PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn

Với gần 30 năm thâm niên, tốt nghiệp Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Nhật Bản, PGS. Nguyễn Anh Tuấn hiện là Phó trưởng Bộ môn Nhi Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Trưởng khoa Nội Tổng quát 2 Bệnh viện Nhi Đồng 1.
PGS. Tuấn có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, điều trị và tư vấn các bệnh lý tiêu hoá và dinh dưỡng ở trẻ em. Với bề dày kinh nghiệm của mình, ông hiện được bầu là Tổng Thư ký Chi hội Tiêu hoá Dinh dưỡng và Gan mật Nhi khoa Việt Nam (ViSPGHAN).

Chia sẻ

Bài viết khác

Bài viết được quan tâm