Trẻ thiếu cân: Nguyên nhân, giải pháp và những điều cần biết 

Trẻ thiếu cân hay suy dinh dưỡng là vấn đề sức khỏe mà nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những nguyên nhân khiến trẻ thiếu cân, các giải pháp cải thiện và liệu trẻ thiếu cân nhưng ăn uống khỏe mạnh, ít ốm vặt có phải là dấu hiệu đáng lo ngại? 

1. Nguyên nhân khiến trẻ thiếu cân/suy dinh dưỡng 

Thiếu dinh dưỡng từ bữa ăn 

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị suy dinh dưỡng là chế độ ăn không đủ dinh dưỡng. Trẻ không nhận đủ các nhóm chất thiết yếu như protein, chất béo, vitamin, khoáng chất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể.  

Bệnh lý tiêu hóa 

Các vấn đề về hệ tiêu hóa như kém hấp thu dưỡng chất, tiêu chảy mãn tính, hay bệnh celiac (dị ứng gluten) có thể khiến trẻ không hấp thụ đủ dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn đến tình trạng thiếu cân. Nếu trẻ thường xuyên mắc các vấn đề về tiêu hóa, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý và nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể. 

Yếu tố di truyền 

Di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cân nặng và chiều cao của trẻ. Nếu cha mẹ có vóc dáng nhỏ bé hoặc cân nặng thấp, có thể con cũng sẽ kế thừa những đặc điểm này. Tuy nhiên, yếu tố di truyền không hoàn toàn quyết định việc trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, bởi môi trường sống và dinh dưỡng có thể giúp cải thiện tình trạng này. 

Điều kiện kinh tế, môi trường sống 

Trẻ em sống trong điều kiện môi trường không lành mạnh, thiếu vệ sinh, không có điều kiện tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn và dinh dưỡng cũng dễ gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ khả năng cung cấp bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cũng là một trong những yếu tố gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. 

2. Giải pháp dành cho trẻ thiếu cân/suy dinh dưỡng 

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc thiếu cân, cha mẹ cần hành động sớm để cải thiện tình trạng này như: 

  • Chăm sóc bé ngay từ trong bụng mẹ, mẹ cần duy trì một chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, không cần ăn cho hai người mà nên nghĩ cho hai người, chất lượng của bữa ăn là mấu chốt, đồng thời theo dõi quá trình tăng cân của mẹ và bé theo từng giai đoạn. 
  • Khuyến khích cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và có thể kéo dài từ 18-24 tháng. 
  • Cho con ăn dặm đúng thời điểm, luyện tập thói quen ăn đúng giờ, trong quá tình ăn tập trung vào bữa ăn, tạo tinh thần thoải mái cho trẻ trong suốt bữa ăn. 
  • Chú ý đến chất lượng bữa ăn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn hợp lý cho bé theo từng giai đoạn. 
  • Bổ sung men tiêu hóa tự nhiên cho trẻ từ sữa chua, sữa chua uống, sữa bổ sung men tiêu hóa,.. 
  • Bố mẹ nên theo dõi tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ theo từng giai đoạn để nhận biết sớm các dấu hiệu thiếu cân, chậm cao, suy dinh dưỡng,.. nhằm có sự can thiệp kịp thời. Nếu trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng cấp cần được điều trị ngay tại cơ sở y tế (Trong 2 năm đầu đời nên cân đo trẻ mỗi tháng, nếu con đứng cân một tháng trong 0-12 tháng, đứng cân 2 tháng trong năm trẻ 1- 2 tuổi là phải cho trẻ đi khám dinh dưỡng liền).   

3. Trẻ thiếu cân nhưng ăn uống khỏe mạnh và ít ốm vặt có đáng lo lắng? 

Nếu trẻ có cân nặng thấp hơn so với chuẩn nhưng vẫn phát triển về chiều cao, ăn uống đầy đủ và có sức đề kháng tốt, thường không có vấn đề gì đáng lo ngại. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của bé và cung cấp dinh dưỡng hợp lý mà không cần lo lắng quá mức. 

Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, biếng ăn, không phát triển chiều cao, hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa, thì cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe ngay. Trẻ thiếu cân kèm theo các dấu hiệu suy giảm sức khỏe có thể là do một số bệnh lý tiềm ẩn hoặc thiếu hụt dưỡng chất nghiêm trọng.  

Thiếu cân hay suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu cha mẹ phát hiện sớm và áp dụng các giải pháp dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe hợp lý. Việc duy trì một chế độ ăn uống đa dạng, cung cấp đủ dưỡng chất và theo dõi sức khỏe tổng thể của bé sẽ giúp bé phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Chia sẻ

Bài viết khác

Bài viết được quan tâm