Rủi ro sức khỏe và giải pháp dinh dưỡng an toàn cho mẹ bầu béo phì 

Béo phì trong thai kỳ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi. Đây là tình trạng khi mẹ bầu có chỉ số BMI (Body Mass Index) từ 30 trở lên trước khi mang thai. Việc này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý và biến chứng trong thai kỳ. 

1. Tác động của béo phì trong thai kỳ đến sức khỏe mẹ và bé 

Biến chứng trước sinh

  • Vô sinh và sẩy thai: Béo phì ảnh hưởng đến hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng (HPO), làm rối loạn nội tiết tố, khiến kinh nguyệt không đều, ít hoặc không rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai gấp 3 lần so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Ngoài ra, béo phì làm suy giảm chất lượng trứng, ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, dẫn đến nguy cơ sẩy thai cao hơn và giảm hiệu quả của các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
  • Đái tháo đường thai kỳ: Phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 – 4 lần do đề kháng insulin và tình trạng viêm mạn tính. Điều này làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sinh khó và phải sinh mổ.
  • Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật cao hơn 3 – 4 lần ở phụ nữ béo phì độ II và III so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy gan, suy thận, đột quỵ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Trầm cảm và lo âu: Béo phì làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu trước và sau sinh (OR: 1,3 – 1,4). Các yếu tố liên quan bao gồm sự mất cân bằng nội tiết tố, áp lực về ngoại hình, tiền sử rối loạn ăn uống và tác động tâm lý từ việc kỳ thị ngoại hình.

Biến chứng khi chuyển dạ, trong khi sinh và sau sinh

  • Sinh non: Chỉ số BMI càng cao, nguy cơ sinh non càng lớn. Phụ nữ béo phì độ I (BMI 30 – 34,9) có nguy cơ sinh non cao hơn 1,56 lần, trong khi béo phì độ II hoặc III (BMI > 35) làm tăng nguy cơ lên 1,71 lần.
  • Chuyển dạ kéo dài, khó sinh: Do mỡ thừa trong vùng khung chậu làm thu hẹp đường sinh, phụ nữ béo phì dễ gặp tình trạng chuyển dạ kéo dài, không tiến triển, cần can thiệp sinh mổ hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ sinh.
  • Nguy cơ sinh mổ cao: Tỷ lệ sinh mổ ở phụ nữ béo phì cao gấp đôi so với người có cân nặng bình thường. Ngoài ra, họ có nguy cơ gặp phải các biến chứng sau sinh như nhiễm trùng vết mổ, mất máu nhiều, huyết khối tĩnh mạch và viêm nội mạc tử cung.
  • Băng huyết sau sinh: Phụ nữ béo phì có nguy cơ băng huyết sau sinh cao hơn đáng kể, đặc biệt khi BMI > 35 kg/m².
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch: Tình trạng béo phì làm giảm lưu thông máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây ra thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và nhiễm trùng hậu sản.
  • Giảm khả năng nuôi con bằng sữa mẹ: Phụ nữ béo phì có tỷ lệ cho con bú hoàn toàn thấp hơn, chủ yếu do mức progesterone cao ức chế tạo sữa, khó khăn trong việc trẻ ngậm bắt vú, sinh mổ và trầm cảm sau sinh.

Biến chứng ở thai nhi

  • Khuyết tật bẩm sinh: Béo phì của mẹ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật tim và ống thần kinh. Ngoài ra, do lớp mỡ bụng dày làm giảm độ chính xác của siêu âm, việc phát hiện các bất thường thai nhi trong giai đoạn tiền sản cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
  • Thai to so với tuổi thai: Nguy cơ thai to tăng cao khi mẹ béo phì, điều này dẫn đến khó sinh, mắc kẹt vai, nguy cơ chấn thương khi sinh và có thể làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ sau này.
  • Thai chết lưu và thai ngưng tiến triển: Phụ nữ béo phì có nguy cơ thai ngưng tiến triển cao hơn 1,3 – 2,1 lần. Nguyên nhân có thể do các bệnh lý liên quan đến béo phì làm suy giảm chức năng nhau thai, khiến thai nhi không nhận đủ oxy và dưỡng chất. 

2. Làm thế nào để mẹ bầu béo phì duy trì sức khỏe? 

Duy trì sức khỏe trong suốt thai kỳ là điều quan trọng đối với tất cả các bà mẹ, đặc biệt là những người bị béo phì. Việc quản lý cân nặng hợp lý và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp giảm thiểu các nguy cơ bệnh tật và biến chứng.  

Khuyến nghị tăng cân 

Đối với mẹ bầu béo phì, các chuyên gia khuyến nghị nên tăng cân từ 5 – 9 kg trong suốt thai kỳ. Việc theo dõi cân nặng thường xuyên sẽ giúp mẹ duy trì chỉ số BMI hợp lý và tránh tình trạng tăng cân quá mức. 

Tăng cường hoạt động thể chất 

– Tập thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, yoga cho bà bầu, bơi lội là những bài tập lý tưởng giúp mẹ bầu béo phì kiểm soát cân nặng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc vận động giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật. 

– Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, mẹ bầu béo phì nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn. 

3. Xây dựng thực đơn cho mẹ bầu béo phì 

Việc duy trì chế độ ăn uống khoa học, giàu dưỡng chất là cách hiệu quả nhất để mẹ bầu béo phì kiểm soát cân nặng và đảm bảo sức khỏe cho thai nhi. 

Nguyên tắc ăn uống cho mẹ bầu béo phì 

– Kiểm soát lượng calo: Mẹ bầu béo phì nên chú ý đến lượng calo tiêu thụ mỗi ngày. Việc giảm thiểu những thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường sẽ giúp kiểm soát lượng calo hấp thụ. 

– Tăng cường protein và chất xơ: Protein từ thịt nạc, cá, trứng, đậu và chất xơ từ rau củ quả sẽ giúp mẹ cảm thấy no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế tăng cân quá mức. 

– Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn ba bữa lớn mỗi ngày, mẹ bầu béo phì nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để cơ thể dễ hấp thụ dưỡng chất và ngăn chặn việc ăn quá nhiều một lần. 

– Uống đủ nước: Cần uống từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày, tránh đồ uống có đường hoặc gas. 

Thực đơn gợi ý cho mẹ bầu béo phì 

* Phân bố bữa ăn:

Bữa ăn% Năng lượng
Sáng25
Phụ sáng5
Trưa30
Phụ chiều5
Chiều30
Phụ tối5

*Thực đơn tham khảo 1 ngày

Tên món ănThành phần món ănĐịnh lượng thực phẩm sống
Sáng
Sandwich nguyên cámBánh mì sandwich nguyên cám1 lát (35-38 g)
Trứng ốp laTrứng chiên ốp la2 quả vừa
Rau + bơ nghiềnTrái bơ nghiền50-80 g
Rau xà lách25 g (1-2 lá)
Cà chua nhỏ50 g
Trái câyChuối, việt quất80-100 g
Phụ sáng
SữaSữa tươi tách béo không đường/ Sữa cho phụ nữ mang thai180-200 ml
Trưa
Cơm gạo lứt trộn hạt quinoaCơm gạo lứt110 g (1/2 chén cơm loại 280ml)
Hạt diêm mạch (Quinoa)20 g
Cá hồi nướng mật ongCá hồi90-100 g
Tỏi5 g
Gia vị (muối, hạt tiêu)1-2 g
Mật ong5-10 g
Hạt mè đen/ mè trắng2 g
Dầu olive5 g
Rau luộcBông cải xanh50 g
Cà rốt20 g
Canh cà chua trứngTrứng gà1/2 quả
Cà chua50 g
Cần ta, hành lá, hành tím5 g
Gia vị1-2 g
Tráng miệngThanh long80 g
Ổi80 g
Phụ chiều
Sữa chua tách béo hoặc phô mai tách béo ít đườngSữa chua giảm béo1 hũ 100 g
Trái cây ít ngọt80-100 g
Tối
Cơm trộn đậu Hà LanCơm  gạo lứt110 g (1/2 chén cơm loại 280ml)
Đậu Hà Lan20 g hạt tươi đã nấu
Phi lê gà áp chảo xốt teriyakiFillet gà không da mỡ90-100 g
Nấm đùi gà, ớt chuông các loại50 g
Tỏi5 g
Gia vị (xốt teriyaki, nước tương,..)5-7 g
Mật ong5 ml
Dầu olive5 ml
Rau luộcBắp cải50-80 g
Đậu bắp50-80 g
Canh rong biển đậu hũ nonRong biển50 g
Đậu hũ non10 g
Gia vị1-2 g
Tráng miệngDưa lê80 g
80 g
Phụ tối
 Sữa tươi tách béo không đường hoặc Sữa cho phụ nữ mang thai180-200 ml
Giá trị dinh dưỡng
Năng lượng (kcal)1719
Protein (g)100
Lipid (g)51
Glucid (g)215
Calci (mg)1220
Sắt (mg)16
Kẽm (mg)7
Chất xơ (g)20

4. Thực phẩm cần tránh 

– Đồ chiên rán và nhiều dầu mỡ: Thực phẩm chiên rán chứa nhiều chất béo xấu không chỉ làm tăng cân mà còn gây hại cho tim mạch. 

– Thức ăn nhanh: Những món ăn nhanh như pizza, hamburger, khoai tây chiên thường chứa nhiều muối và chất béo bão hòa, dễ gây tăng cân và tiểu đường thai kỳ. 

– Đồ uống có đường: Nước ngọt, trà sữa, nước ép đóng hộp chứa nhiều đường và không cung cấp nhiều dưỡng chất cho mẹ bầu. 

Việc duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh trong suốt thai kỳ rất quan trọng đối với mẹ bầu béo phì. Việc kiểm soát cân nặng hợp lý không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ mà còn đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho thai nhi. Mẹ bầu nên thường xuyên theo dõi sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. 

Chia sẻ

Bài viết khác

Bài viết được quan tâm